CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG Thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị

2023-11-27T07:41:00.000Z Tin nổi bật
Admin 5 lần xem | 0 bình luận

ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM

TỈNH ĐẮK NÔNG

BAN THƯỜNG TRỰC

 

 
 
 

Số: 09 /CTHĐ-MTTQ-BTT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 
 
 

Đắk  Nông, ngày 15  tháng 11 năm 2023

 

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị

—————————-

 

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị); Công văn số: 51-CV/ĐĐMT, ngày 31/10/2023 của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về việc xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể như sau:        

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Hệ thống Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, đồng thời huy động các nguồn lực và sức mạnh của nhân dân để đưa tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên.

- Nâng cao nhận thức phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức, sự đồng thuận, lợi ích và chia sẻ trách nhiệm trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tích cực tuyên truyền triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị. 

- Quá trình tổ chức thực hiện phải bám sát Nghị quyết số 23 và các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, kết luận, chỉ đạo khác liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Tỉnh ủy.

II. MỤC TIÊU CHUNG

1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030

Đến năm 2030, xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên. Công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bôxit - nhôm quốc gia. Phát triển du lịch trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung với các ngành hàng chủ lực của tỉnh theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, theo chuỗi giá trị; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đô thị, nông thôn và hạ tầng xã hội được đầu tư hệ thống và đồng bộ. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, người dân có mức sống, thu nhập khá trong vùng Tây Nguyên. Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ môi trường và cảnh quan bền vững. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực phòng thủ. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9,05%. GRDP bình quân đầu người đạt 106 triệu đồng vào năm 2030; tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,32% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,74%; khu vực dịch vụ chiếm 40,76%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,18%. Tỉ trọng kinh tế số chiếm khoảng 12 - 20% trong GRDP.

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5%/năm; đóng góp TFP vào tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 50%.

- Đến năm 2030, có ít nhất 54 xã (tương đương 90%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 30 xã (tương đương 50%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Khoảng 05 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tương đương trên 60%), trong đó có ít nhất 01 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao (tương đương trên 12%).

- Tỉ lệ đô thị hóa đạt 35%. Tỉ lệ nhựa hóa chung đường tỉnh đạt trên 88%. Tỉ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99,5%. Tỉ lệ bảo đảm nước tưới cho diện tích cần tưới đạt 90%.

- Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Số trường công nhận đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 73,22% tổng số trường công lập trên toàn tỉnh. Đạt 23 giường bệnh/vạn dân (nếu không tính số giường bệnh viện đầu tư ngoài ngân sách) và đạt 32 giường bệnh/vạn dân (nếu tính số giường bệnh viện đầu tư ngoài ngân sách); đạt 11 bác sĩ/vạn dân. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số.

- Phấn đấu bình quân hàng năm giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn đa chiều.

- Tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 42%. Tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 85%. Đến năm 2030, tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 60% và sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

Đến năm 2045, tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên, có mức thu nhập bình quân cao hơn bình quân chung cả nước. Trở thành địa phương phát triển bền vững, xã hội văn minh và văn hóa đặc sắc, nghĩa tình. Có quy mô nền kinh tế phù hợp, hiệu quả và bền vững gắn với mục tiêu xuyên suốt là mức sống và chất lượng sống cao của người dân (so với trung bình cả nước) trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và cơ hội phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững

- Tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, hoa, rau củ quả,… gắn với công nghiệp chế biến. Thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Ổn định tỉ trọng nhóm cây công nghiệp, tăng tỉ trọng nhóm cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh, dược liệu, từng bước tăng tỉ trọng giá trị cây mắc ca và các cây trồng mới gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ và công nghiệp chế biến sâu. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường và điều kiện sinh thái của từng địa phương. Phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng tập trung trang trại, an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, có giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường sinh thái với các loại hình nuôi phù hợp như nuôi lồng bè ở vùng lòng hồ các công trình thủy lợi, thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai.

- Phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững nhằm góp phần nâng cao tỉ lệ che phủ rừng, bảo đảm mục tiêu ổn định dân cư, an sinh xã hội, sinh kế của người dân. Chú trọng phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ nghiêm ngặt các diện tích rừng tự nhiên hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tiến hành khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên kết hợp làm giàu rừng đối với những diện tích rừng bị phá trái phép, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nhằm phục hồi và nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Phát triển rừng trồng, rừng sản xuất ở những nơi có điều kiện kinh tế phù hợp nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất và chế biến lâm sản.

- Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, trọng tâm là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, gắn với phát triển nông nghiệp, hệ thống logistics thông minh; xây dựng một số thương hiệu sản phẩm quốc gia như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều…

- Tiếp tục giải quyết có hiệu quả đất ở, đất sản xuất cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tránh tình trạng để lãng phí tài nguyên đất, tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật, sử dụng đất không hiệu quả; Tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên nước; tăng khả năng trữ và lưu giữ nước của các công trình hồ chứa, bảo đảm an ninh nguồn nước; cơ cấu lại cây trồng cho phù hợp, nhất là đối với vùng thiếu nước; triển khai các giải pháp, công nghệ tưới tiết kiệm. Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý, chia sẻ lợi ích từ tài nguyên nước.

2. Phát triển văn hoá - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân

- Nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân; hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hoá trong đồng bào các dân tộc. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của tỉnh; ưu tiên khai thác và phát huy các sinh hoạt văn hóa mang tính dân gian, lễ hội truyền thống của từng địa phương, từng dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian hiện có và đã có của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm tạo nét đẹp riêng của từng dân tộc; chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá tiêu biểu đặc trưng của địa phương và di sản văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng và duy trì tốt hoạt động của các trung tâm văn hoá, sinh hoạt cộng đồng từ cấp tỉnh tới thôn, buôn, bon; huy động nguồn lực xã hội hoá để đẩy nhanh tốc độ hiện đại hoá, mở rộng mạng lưới các trung tâm văn hoá ở khu đô thị, khu du lịch trọng điểm. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa.

- Rà soát, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho người dân tại vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Quan tâm giải quyết nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

3. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc

- Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại. Phối hợp với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông và vùng Tây Nguyên. Huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

- Phát triển du lịch bền vững, theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm gắn với sinh thái, cộng đồng và bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đặc thù, độc đáo mang đậm bản sắc riêng của tỉnh Đắk Nông; tăng cường công tác hợp tác, xúc tiến, quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó tập trung đầu tư phát triển các khu, tuyến du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp công nghệ cao và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông; du lịch văn hóa, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch dựa vào cộng đồng gắn với các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan rừng, thác.

4. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại

- Tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức về công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Phát huy hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và thế trận lòng dân vững chắc; chú trọng ở địa bàn biên giới, địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc. Hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ động triển khai các hoạt động giao lưu Nhân dân với nước bạn.

- Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc bảo đảm đồng bộ, toàn diện; tập trung có trọng điểm các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo. Tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đầu tư nâng cao năng lực của lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự cấp cơ sở. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo thế chủ động trong phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

5. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

- Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện hiệu quả các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu về đạo đức và lối sống.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo; bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và vai trò của người có uy tín trong cộng đồng. Quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy truyền thống văn hóa cách mạng, sự cần cù, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của nhân dân.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

- Chủ động đưa nội dung và giải pháp thực hiện vào Chương trình phối hợp thống nhất hành động hàng năm; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể theo chức năng nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện Chương trình số 64-Ctr/TU, ngày 30/6/2023 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống Mặt trận các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, hiệu quả đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng tuyên truyền những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp làm kinh tế giỏi, gương điển hình, người tốt việc tốt giúp nhau làm kinh tế, mô hình khu dân cư đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; biểu dương những cá nhân, tổ chức tiêu biểu, xuất sắc có nhiều thành tích đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đài PTTH tỉnh; Báo Đắk Nông tổ chức các hoạt động tuyên truyền Nghị quyết số 23-NQ/TW đồng thời đăng tải các nội dung tuyên truyền trên trên Trang thông tin điện tử; Tờ Thông tin công tác Mặt trận, Trang Fanpage của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

- Đẩy mạnh các hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách, chỉ thị, nghị quyết, dự án, đề án …. liên quan đến kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh góp phần thực hiện thành công Chương trình số 64-Ctr/TU, ngày 30/6/2023 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện và  hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại cơ sở.

- Chủ động phối hợp tổ chức thành viên, các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chương trình số 64-Ctr/TU, ngày 30/6/2023 của Tỉnh ủy Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, đặc biệt là công nghệ truyên thông trên nền tảng mạng xã hội, trang Fanpage…..nhằm phổ biến rộng rãi, nhanh chóng và hiệu quả tới đông đảo các tầng lớp nhân dân.

- Hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận khu dân cư triển khai xây dựng các công trình, phần việc cụ thể góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu trong kế hoạch của địa phương.

- Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá sơ kết rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện chế độ báo cáo kết quả triển khai thực hiện định kỳ 06 tháng (trước ngày 05/6); báo cáo năm (trước ngày 01/12) về BTT Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (qua Ban Tổ chức - Tuyên giáo) để theo dõi, đánh giá, tổng hợp và báo cáo cấp trên theo quy định.

Trên đây là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông.

* Nơi nhận:

 

- Đảng đoàn MTTQ Việt Nam;

- Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam;

- Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh;

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;

- Ban Dân vận Tỉnh ủy;

- Đảng đoàn MTTQ VN tỉnh

- BTT Uỷ ban MTTQ VN tỉnh;

- BTT Ủy ban MTTQVN các huyện, thành phố;

- Lưu VT, Ban TC-TG.

TM. BAN THƯỜNG TRỰC

CHỦ TỊCH

 

 


(Đã ký)

 

 

Điểu Xuân Hùng

 

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 185

Hôm qua: 221

Tháng này: 4812

Tháng trước: 8175

Tổng lượt truy cập: 541172