Đang truy cập: 3
Hôm nay: 185
Hôm qua: 221
Tháng này: 4812
Tháng trước: 8175
Tổng lượt truy cập: 541172
UỶ BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH ĐĂK NÔNG BAN THƯỜNG TRỰC
Số: 135 /HD-MTTQ-BTT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Nông, ngày 11 tháng 3 năm 2022 |
HƯỚNG DẪN
Công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2022
Căn cứ Hướng dẫn số 78/HD-MTTW-BTT, ngày 25/01/2022 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam V/v “Hướng dẫn công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2022”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai các nội dung hướng dẫn về công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2022 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tăng cường công tác tuyên truyền biển, đảo nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành pháp luật trong nước và các thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến biển, đảo Việt Nam; thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
- Giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu chính xác, đầy đủ, cũng như thúc đẩy sự đồng thuận, nhất trí về quan điểm, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề liên quan đến biển, đảo phù hợp với quy định của Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
- Đấu tranh hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước âm mưu lợi dụng các vấn đề liên quan đến biển, đảo Việt Nam nhằm hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn hại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
2. Yêu cầu
- Bảo đảm sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo.
- Công tác tuyên truyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần được tiến hành chủ động, tích cực, thường xuyên, liên tục. Tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhanh chóng, hiệu quả yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể. Đối với những vụ việc phức tạp nảy sinh, cần cung cấp thông tin chính thống kịp thời, chính xác, đúng nguyên tắc, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, không tạo cơ hội để các thế lực thù địch, phản động chống phá, làm phương hại đến lợi ích của Việt Nam.
- Tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng làm công tác tuyên truyền biển, đảo; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của nhân dân trong và ngoài nước.
- Tập trung nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung tuyên truyền. Đẩy mạnh đa dang hóa, hiện đại hóa các phương thức, loại hình thông tin tuyên truyền trong bối cảnh dịch Covid -19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tích cực áp dụng các phương tiện truyền thông mới, nhất là mạng xã hội. Tối ưu hóa các nguồn lực, huy động sự tham gia tích cực của các nguồn lực xã hội, nhất là phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản, các đoàn viên, hội viên góp phần củng cố sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, chính sách, biện pháp của Đảng và Nhà nước về các vấn đề biển, đảo Việt Nam.
- Quan tâm, xử lý tốt dư luận xã hội về các vấn đề có liên quan đến biển, đảo Việt Nam.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Tuyên truyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Tuyên truyền việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện những nội dung liên quan đến biển, đảo Việt Nam được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
2. Tuyên truyền những cơ sở, chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3. Đa dạng hóa nội dung tuyên truyền biển, đảo, trong đó tập trung một số trọng tâm chính: Kỷ niệm 40 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, 10 năm Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật Biển năm 2012; Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế; Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; Đảm bảo an ninh – quốc phòng, phát triển kinh tế biển, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển; hợp tác quốc tế về những lĩnh vực liên quan đến biển, đảo.
4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại về biển, đảo Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam, đội ngũ báo chí, chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế tham gia các hoạt động thông tin, tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam.
5. Tuyên truyền về các chính sách hậu phương quân đội; khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; khuyến khích nhân dân định cư ổn định lâu dài trên đảo, làm ăn dài ngày trên biển; tuyên truyền bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
6. Tuyên truyền đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề Biển Đông và mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia có liên quan trên Biển Đông. Tích cực tiến hành trao đổi, đối thoại với các tổ chức, cá nhân có nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ hoặc sai lệch quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo. Quan tâm đến tính đặc thù của từng đối tượng tuyên truyền.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên
xây dựng nội dung, chương trình, phương thức tuyên truyền biển, đảo phù hợp, hiệu quả gắn với công tác tuyên truyền về đối ngoại, biên giới trên đất liền. Tăng cường lượng tin, bài về những tấm gương người tốt, việc tốt trong các lĩnh vực có liên quan tới biển, đảo; đồng thời tích cực trong việc khai thác, xây dựng, cung cấp thông tin về biển đảo Việt Nam nhằm kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân đưa tin sai sự thật về vấn đề Biển Đông, gây tác động xấu tới dư luận và các mối quan hệ đối ngoại.
2. Nội dung tuyên truyền biển, đảo gắn với việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp (nhất là nội dung liên quan đến biển, đảo), đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, của Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ IV, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận và các đoàn thể phát động phù hợp với thực tế ở địa phương, cơ sở. Đẩy mạnh việc sử dụng Trang thông tin điện tử, Thông tin Công tác Mặt trận, mạng xã hội, công nghệ hiện đại nhằm phổ biến rộng rãi, nhanh chóng, hiệu quả các nội dung liên quan đến biển, đảo Việt Nam. Chủ động nắm tình hình dư luận xã hội nảy sinh, không để hình thành các “điểm nóng” liên quan đến biển, đảo Việt Nam.
3. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền biển, đảo; báo cáo kết quả về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, nảy sinh đột xuất, đề nghị phản ánh kịp thời về Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh (qua Ban Tổ chức – Tuyên giáo)./.
Nơi nhận:
- Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố; (Th/h) - Các tổ chức thành viên UBMTTQ tỉnh; (P/h) - Lưu VT, Ban TC-TG./. |
TM. BAN THƯỜNG TRỰC CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Điểu Xuân Hùng
|