răn trở sử thi

Admin 5 lần xem | 0 bình luận

Đối với đồng bào M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, sử thi (Ót N'drong) là niềm tự hào và được lưu truyền theo phương thức truyền miệng. Thế nhưng, hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau, Ót N'drong đang đứng trước nguy cơ mai một, nếu không có biện pháp bảo tồn, giữ gìn một cách hữu hiệu.

Những năm qua, với sự nỗ lực của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam và ngành Văn hóa tỉnh, hàng chục tác phẩm Ót N’drong của đồng bào M’nông được ghi chép và biên dịch như: “Mùa rẫy bon Tiăng”, “Cây nêu thần”, “Kể dòng con cháu Mẹ Chep”, “Bông Rõng và Tiăng”, “Mẹ Rông và Tiăng”… Những tác phẩm được thể hiện bằng văn vần tự sự dài hàng vạn câu và xen vào đó là những câu mang tính triết lý, đúc rút thành kinh nghiệm và là tiền đề để hình thành bộ luật tục M’nông lưu truyền cho các thế hệ sau.
 
Đặc biệt, năm 2014, Ót N’drong được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, thực sự là niềm tự hào của người M’nông. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay Ót N’drong chưa được bảo tồn, phát huy giá trị một cách đúng nghĩa, khiến nhiều người có tâm huyết với văn hóa dân tộc hết sức trăn trở, lo âu.
 
Nghệ nhân Y Kai ở bon Jun Júh, xã Đức Minh (Đắk Mil) tâm sự: “Ót N’drong không phải ai cũng hát, kể được. Muốn hát, kể được, người đó phải thông minh, có trí nhớ tốt, trí tưởng tượng phong phú. Khi hát kể là lúc nghệ nhân đang sống trong một thế giới riêng biệt, tùy theo từng nội dung, cảm nhận của mình mà trình bày tiết tấu, âm điệu phù hợp. Vì vậy, việc tìm kiếm một người trẻ để truyền dạy rất khó khăn. Ở bon Jun Júh này, ngoài tôi ra chẳng ai hát được Ót N’drong cả”.
 
Nghệ nhân Y Xuyên ở bon Ja Ráh, xã Nâm Nung (Krông Nô) cũng nói: “Để học được và hát Ót N’drong một cách thành thạo, đòi hỏi phải có năng khiếu và đam mê thực sự, phải có không gian để biểu diễn thường xuyên, nếu không sẽ dễ quên lời. Bây giờ, giới trẻ mê những chương trình giải trí trên tivi, điện thoại nên hầu như chẳng còn ai nghe Ót N’drong nữa”.
 
Nghệ nhân Thị Mai, ở bon Bu Prâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song) tiếp nối cha - nghệ nhân Điểu Kâu hiện vẫn âm thầm sưu tầm sử thi và biên dịch thành hai thứ Việt – M’nông. 
 
Tại Hội thảo khoa học về xây dựng Công viên địa chất núi lửa tại tỉnh Đắk Nông, bà Vũ Thị Ái Duyên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng cho rằng: Ót N’drong của người M’nông đang bị mai một và có nguy cơ biến mất khỏi đời sống văn hóa của đồng bào. Nguyên nhân là do sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội đã làm mất đi không gian diễn xướng truyền thống của sử thi. Người biết hát kể sử thi thì như “lá vàng trên cây”.
 
Năm 2013, ngành Văn hóa đã tổ chức rà soát danh sách các nghệ nhân biết hát kể sử thi trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh còn 12 người, nhưng tới thời điểm hiện tại chỉ còn 11 người và hầu hết họ đã già yếu, trí nhớ giảm sút. Trong khi đó, lớp trẻ hiện nay lại đang chạy theo các sản phẩm văn hóa đương đại, ít được tiếp cận với văn hóa truyền thống.
 
Thực tế năm 2008, ngành Văn hóa cũng đã tổ chức được 1 lớp truyền dạy sử thi, nhưng do mỗi câu chuyện kể dài hàng ngàn, hàng vạn câu nên việc ghi nhớ hết sức khó khăn. Mặt khác, ngay sau khi lớp học sử thi kết thúc thì “chữ thầy cũng trả lại cho thầy”. Vì vậy, công tác bảo tồn Ót N’drong vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi những người làm công tác văn hóa và chính quyền các cấp quan tâm đề ra những phương án phù hợp nhất để có thể tiếp tục bảo tồn sử thi trong đời sống tinh thần của đồng bào.
 
Ót N’drông của người M’nông là kho tàng văn hóa dân gian truyền miệng độc đáo và là một di sản văn hóa phi vật thể vô giá, được đồng bào sáng tạo từ bao đời nay rất cần được lưu truyền, gìn giữ. Hiện tại, ngành Văn hóa đang nghiên cứu xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản có nguy cơ thất truyền Đắk Nông giai đoạn 2017-2020” trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để có thể bảo tồn, giữ gìn được nét văn hóa độc đáo của sử thi trong đời sống tinh thần của đồng bào M’nông. 

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 185

Hôm qua: 221

Tháng này: 4812

Tháng trước: 8175

Tổng lượt truy cập: 541172